Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014


Càng gần Tết, giá nhiều loại thực phẩm càng tăng


Sóng ngầm tăng giá


Bộ Tài chính cho biết sẽ cùng cách ngành chức năng thực hiện kiểm tra việc chuẩn bị các hàng hóa và triển khai các chương trình bình ổn giá thị trường của các địa phương dịp Tết. Cục Quản lý giá thành lập các đoàn đi nắm tình hình các tỉnh thành phố cả nước để xem xét việc cung ứng hàng hóa, đồng thời theo dõi sát tình hình diễn biến, trong dịp trước trong và sau Tết để có đề xuất phù hợp.


Ghi nhận tại một số siêu thị bán lẻ lớn tại Hà Nội như Big C Thăng Long, Fivimart Hoàng Quốc Việt cũng nhận thấy, các chương trình chuẩn bị hàng hóa Tết đã được doanh nghiệp chuẩn bị sẵn chờ người đến mua.


Trong khi đó, giá các mặt hàng tại chợ lẻ lại đang tăng theo ngày. Tại chợ Trung Văn (Từ Liêm), mặt hàng thực phẩm có mức tăng nhận thấy rõ nhất. Cụ thể, thịt thăn lợn có giá từ 95.000 đến 110.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng/kg), thịt ba chỉ từ 100.000 đến 110.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng/kg), thịt vai lợn từ 95.000 đến 100.000 đồng/kg. Tiểu thương chợ Trung Văn, chị Lê Thu Hồng cho biết, giá lợn hơi đã tăng thêm khoảng 3.000 đồng/kg từ cuối tháng 12-2013, lên mức 51.000 đồng/kg nên đẩy giá bán lẻ lên cao. Bên cạnh lý do giá tăng theo quy luật cuối năm. Sở Công thương Hà Nội cho biết thêm, sau một thời gian thu mua hết lợn mỡ tại các trang trại và trong dân, thương lái Trung Quốc thu mua cả lợn nạc khiến giá lợn tăng nhanh.


Ở nhóm hàng lương thực, đa số các cửa hàng vẫn giữ nguyên giá bán ngoại trừ mặt hàng gạo tẻ, gạo nếp. Gạo Bắc Hương Hải Hậu 18.000 đồng/kg; gạo tám Điện Biên 19.000 đồng/kg… Từ nay đến Tết, giá gạo có thể tăng thêm khoảng 5% nữa do nhu cầu tăng và sản lượng vụ mùa vừa thu hoạch giảm so với dự kiến. Tại các chợ lẻ, duy chỉ có mặt hàng rau củ quả đang vào vụ thu hoạch nên có mặt bằng giá ổn định, cà chua 15.000 đồng/kg; cải cúc: 5000 đồng/mớ.


Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá nhìn nhận, không nên chủ quan với biến động giá cả thị trường. Nếu có biến động bất thường, sẽ báo cáo cơ quan chức năng có thẩm quyền thực hiện bình ổn giá và điều tiết theo quy định của Luật Giá.


Trao đổi với Đại Đoàn Kết, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng đến hẹn cứ mỗi dịp Tết giá lại tăng là quy luật. Tuy nhiên điều nguy hiểm, giá cả tăng khi sức mua chưa cải thiện càng khiến cho việc kích tổng cầu khó hơn.


Tiềm ẩn khả năng lạm phát


Năm 2014, diễn biến thị trường giá cả một mặt vẫn chịu sự tác động bởi các chính sách quản lý thị trường giá cả truyền thống cũng như xu thế tăng chậm của tổng cầu đầu tư và tiêu dùng. Mặt khác, lại chịu sự ảnh hưởng của các chính sách nới lỏng tài khóa như tăng thâm hụt NSNN lên 5,3% GDP, đồng thời phát hành thêm 170.000 tỷ đồng trái phiếu đầu tư giai đoạn 2011 – 2015. Vẫn theo ông Ngô Trí Long, lạm phát năm 2014 cũng sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực hơn, nếu cho biến động mạnh trong điều hành chính sách vĩ mô, nhất là khi điều chỉnh tăng đầu tư công, tăng dư nợ tín dụng, tiền lương, giá điện, than và dịch vụ công.


Dự báo về tình hình giá cả, thị trường trong năm 2014 Cục Quản lý giá cho rằng quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường và doanh nghiệp tiếp tục phát huy tác dụng. Song cơ quan này cũng lưu ý, năm 2014 cũng tiềm ẩn nhiều khả năng lạm phát tăng cao do tác động theo độ trễ của những chính sách. Do đó, việc điều chỉnh giá của từng mặt hàng cụ thể cần được cân nhắc liều lượng và phân phối một cách hợp lý để tránh tạo ra những cú sốc trên thị trường, tác động xấu tới đời sống người dân.


Hồ Hương

0 nhận xét:

Đăng nhận xét