Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014

Những bất ổn của lạm phát sẽ ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô. Ảnh Internet.

 Tốc độ đầu tư sẽ chi phối  

Kịch bản thứ nhất, chính sách điều hành dần đi vào cuộc sống sẽ giúp nền kinh tế giải quyết những khó khăn. Kịch bản này được cho là nhiều khả năng xảy ra hơn, khi nền kinh tế giải quyết được những khó khăn với chính sách điều hành dần đi vào cuộc sống. Theo đó, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2014 có thể đạt 5,67% và CPI khoảng 7%.

Kịch bản thứ hai, tăng trưởng cao cũng có thể xảy ra nếu nền kinh tế trong nước phát triển theo hướng kịch bản chủ nói trên, đi kèm với tác động tích cực từ đà phục hồi kinh tế thế giới đồng thời tận dụng lợi thế từ việc mở rộng đầu tư qua các hiệp định thương mại. Dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2014 sẽ đạt ở mức 6,2%, CPI vẫn duy trì mức 7%.

  “Nền kinh tế Việt Nam có tính đặc thù riêng, không giống với các quốc gia khác trên thế giới. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, nền kinh tế Việt Nam đang nằm trong vùng trũng mấp mô, vùng trũng là tăng trưởng suy giảm và lạm phát lúc cao, lúc thấp. Lúc này xuống thấp, có khả năng lại tăng lên, giảm lạm phát, nhưng vẫn bấp bênh vì các chính sách thực hiện chưa giải quyết được căn nguyên gốc rễ của nó, giải pháp có tính tình thế, đối phó là chính, bất ổn vĩ mô chưa giải quyết về cơ bản”-   TS. Ngô Trí Long. 

Theo TS. Nguyễn Đức Độ (Viện Kinh tế Tài chính), trong mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng của Việt Nam, đầu tư là biến số quyết định tốc độ tăng trưởng GDP, tỷ lệ lạm phát CPI, mức nhập siêu, cũng như quy mô thu NSNN. Mô hình định lượng về mối quan hệ giữa tăng trưởng, lạm phát, tiết kiệm và đầu tư cho thấy, để đạt được sự tăng trưởng kinh tế bền vững, tốc độ tăng đầu tư cần tương đương với tốc độ tăng trưởng GDP. Hơn nữa, với mức lạm phát mục tiêu đề ra càng thấp bao nhiêu, thì tốc độ tăng trưởng GDP bền vững của nền kinh tế sẽ càng cao bấy nhiêu.

Có bài tham luận tại Hội thảo về Diễn biến thị trường giá cả năm 2013 và dự báo năm 2014, TS. Nguyễn Song Bình (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, để ổn định giá cả trong năm 2014, việc điều chỉnh giá các mặt hàng cơ bản và dịch vụ công cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành liên quan và lộ trình hợp lý về thời điểm tăng giá, mức tăng giá… Thực hiện nghiêm về việc tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014.

Theo đó, cần bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán; quản lý, điều hành các mặt hàng thiết yếu, dịch vụ công phù hợp nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và giảm áp lực tăng giá trong các tháng cuối năm. Xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đầu cơ, găm hàng đẩy giá lên cao hoặc tăng giá đột biến trong dịp Tết Nguyên đán.

“Lạm phát năm 2014 cũng sẽ đối mặt với nhiều áp lực hơn nếu có biến động mạnh trong điều hành chính sách vĩ mô, nhất là khi điều chỉnh tăng đầu tư công, tăng dư nợ tín dụng, tiền lương, giá điện, than và dịch vụ công. Chúng ta không nên quá chủ quan vì mức lạm phát thấp. Bởi việc kiềm chế lạm phát hiện nay chưa thật bền vững, về nguyên nhân sâu xa, yếu tố tiềm ẩn của lạm phát là hiệu quả đầu tư và năng suất lao động còn thấp, chưa được cải thiện nhiều”, TS. Nguyễn Song Bình nhận định.

 Phấn đấu tăng trưởng cao, lạm phát thấp 

Trong một vài năm qua bài toán quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng luôn được đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách đó là nên ưu tiên cho tăng trưởng hay lạm phát và liệu đây có phải là các mục tiêu không thể kết hợp cùng nhau không.

Bởi trường hợp tốt nhất là đạt mục tiêu tăng trưởng cao, lạm phát thấp. Điều này đã được chứng minh bởi những năm 1996-2002 lạm phát dưới 4% nhưng tăng trưởng 8% đã phủ nhận quan điểm tăng trưởng cao bắt buộc phải kèm theo lạm phát cao.

Nhiều chuyên gia kinh tế đã thống nhất nhận định: Để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát đã đề ra cần thận trọng trong việc điều hành giá cả đặc biệt đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, than, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục… nhằm tránh tình trạng nhiều mặt hàng tăng giá cùng thời điểm sẽ tạo ra các tác động tiêu cực lên CPI trong năm 2014.

“Lạm phát rất nhạy cảm, thường không bền vững, dễ bị phá vỡ và nếu bùng phát trở lại sẽ rất khó kiểm soát. Do vậy, cần tập trung kiểm soát lạm phát ngay cả khi vẫn ở mức thấp để tránh rủi ro cho những năm tới”, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định.

Theo ông Ngô Trí Long, để thực hiện mục tiêu Nghị quyết của Quốc hội giá tiêu dùng tăng khoảng 7%, tăng trưởng đạt 5,8%, cần kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Trong đó, cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, chính sách tài khóa chặt chẽ, điều hành lãi suất phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát. Tiếp tục thực hiện cơ chế giá thị trường đối với các mặt hàng, dịch vụ công thiết yếu như điện, than, xăng dầu, nước, dịch vụ y tế... Theo lộ trình phù hợp, bảo đảm yêu cầu kiểm soát lạm phát, công khai minh bạch và có hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, người nghèo.

Một trong những kiến nghị được nhiều chuyên gia kinh tế nhắc đến đó là, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chính phủ cũng cần có giải pháp cụ thể, giúp doanh nghiệp chuẩn bị và nâng cao tính cạnh tranh trong môi trường kinh doanh ngày càng cởi mở và tiệm cận với chuẩn mực quốc tế.

Mặc dù các bước cải cách doanh nghiệp nhà nước đã được thực hiện từ nhiều năm, nhưng tốc độ còn chậm và hiệu quả còn thấp. Vì thế, các chương trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành, cổ phần hóa doanh nghiệp cần phải được Chính phủ chỉ đạo và thực hiện nhanh và mạnh hơn trong năm 2014. Cùng với đó, giải quyết nhanh và hiệu quả hơn vấn đề nợ xấu, hoàn thành cơ bản việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, khơi thông dòng vốn tín dụng cho doanh nghiệp.

 Minh Anh 


0 nhận xét:

Đăng nhận xét