Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014

Nhiều chủ nhà trọ vẫn không biết đến Nghị định 204/2013/ NĐ-CP. Ảnh: Lê Tuyết

Trong đó quy định miễn thuế khoán (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân) năm 2013 và 2014 đối với hộ, cá nhân kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với CN, NLĐ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ, cá nhân cung ứng suất ăn ca cho CN. Thế nhưng, sau gần một tháng, khảo sát của Báo Lao Động cho thấy, phần lớn NLĐ vẫn chưa được hưởng lợi từ chính sách này.

Cho đến nay, nhiều chủ nhà trọ chưa biết đến NĐ 204/2013/NĐ-CP và Thông tư 187/2013/TT-BTC hướng dẫn chi tiết NĐ này. Hoặc biết đến, thì có người cam kết sẽ không tăng giá phòng trọ, nhưng cũng có người sẽ tăng giá vì số tiền được miễn thuế không bù được tiền tăng giá phòng.

 Dân thờ ơ 

Bà Trần Thị Hương - xã Yên Trung, huyện Yên Phong, Bắc Ninh - chủ 18 phòng trọ, từ năm 2012 tới nay, bà cho thuê phòng giá từ 500.000 - 600.000 đồng/tháng. “Những phòng rộng hơn chút ít thì cao hơn khoảng 100.000 đồng. Nhà nước tăng thuế hay không thu thuế thì giá phòng có thể cũng vậy” - bà Hương nói.

Tương tự, khu vực quanh KCN Khai Quang (TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), nơi có hàng vạn CNLĐ đang phải thuê ở trọ, chủ trương này cũng chưa có tác động tới cuộc sống của họ. Chị Phan Thị Minh - chủ của hơn 20 phòng trọ ở P.Khai Quang - cho biết, những người kinh doanh phòng trọ hiện không thể tăng giá vì do kinh tế khó khăn, NLĐ không có tiền trả, còn giảm giá thì chủ nhà thiệt quá.

Khi được hỏi về việc miễn thuế, chị Minh nói thật là chưa biết quy định đó. Hộ bà Đặng Thị Giới - Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội - có gần 20 phòng cho CN thuê trọ, nhưng hiện chỉ 7 phòng có CN thuê. Do kinh tế khó khăn nên CN phải ở dồn, ghép với nhau để đỡ tốn kém, dù một số chủ đã giảm giá phòng xuống 500.000 đồng/tháng.

Bà Giới ngạc nhiên khi chúng tôi nhắc đến NĐ 204/2013 NĐ-CP, rồi thật thà: “Chúng tôi không biết NĐ này. Hằng tháng, tùy số lượng phòng cho thuê nhiều, ít mà đóng thuế, nên cũng chẳng biết bao nhiêu”.

 Tăng giá vì… ngại thủ tục hoàn thuế 

Tuy nhiên, thông tin được miễn thuế cũng làm nhiều người phấn khởi. Chị Nguyễn Thị Thành - chủ nhà trọ ở xã Thới Tam Thôn, Q.Hóc Môn, TPHCM - là người tham gia cuộc vận động “Nhà trọ không tăng giá” của LĐLĐ huyện Hóc Môn, nhiều năm qua, chị Thành luôn giữ ổn định giá phòng (700.000 đồng/phòng và 650.000 đồng/phòng dành cho 2 người), điện, nước, CN được dùng đúng giá.

“Con gái tôi làm ở Chi cục Thuế của huyện Hóc Môn vừa thông báo, 95 phòng trọ của nhà sẽ được miễn thuế năm 2013- 2014. Nếu được miễn thuế thì tôi mừng, nhưng giảm giá phòng nữa thì không được.

Tôi sẽ giữ giá phòng ổn định dù có được miễn thuế hay không, đó là cam kết của tôi từ trước tới nay rồi”. Bà Bùi Thị Tuyết Nhung - Chủ tịch LĐLĐ huyện Hóc Môn - cho biết: “ Được miễn thuế, các chủ trọ sẽ thấy họ được quan tâm, họ sẽ gắn bó, đồng hành với CN”.

Nhưng theo khảo sát của chúng tôi cho thấy, nhiều người vẫn sẵn sàng tăng giá phòng trọ, bởi lẽ họ sẽ được lợi hơn. Chị Trân - CN Cty Freetrend, KCX Linh Trung - cho biết: “Cứ mỗi khi nghe có đợt tăng lương, giá điện, nước tăng, bà chủ cũng sẽ tăng giá phòng, ở được thì ở, không ở được thì đi, chẳng ai dám thắc mắc”.

Khi chúng tôi hỏi chủ nhà trọ của chị Trân ở P.Linh Xuân, Q.Thủ Đức (TPHCM), bà nguýt dài: “Miễn thuế được bao nhiêu trong khi giá cả cứ tăng ầm ầm...

Mà thủ tục thì cô biết rồi, nộp vào thì dễ, chứ lấy ra thì khó trời ơi. Tôi thà tăng vài chục, trăm ngàn một phòng còn hơn giữ ổn định để được miễn thuế!”. Tương tự, ông Tuấn - một chủ nhà trọ ở huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương - tính:

“Một tháng, thuế gần chục phòng trọ có 100.000 đồng. Trong khi đó, nếu tăng giá một phòng 100.000 đồng, tính ra số tiền tăng giá lợi gấp nhiều lần so với tiền được miễn thuế, lợi chán. Đó là chưa kể, thủ tục hoàn thuế lằng nhằng, chả ai muốn mất thời gian vì chuyện đó”.

Năm 2013 và dự báo năm 2014, bối cảnh kinh tế và đời sống của NLĐ, đặc biệt là LĐ trong các KCN vẫn còn nhiều khó khăn nên Chính phủ đã trình Quốc hội để tiếp tục thực hiện giải pháp miễn, giảm thuế khoán nêu trên nhằm thực hiện mục tiêu an sinh xã hội, góp phần tháo gỡ khó khăn cho tổ chức, cá nhân. (Nguồn: Bộ Tài Chính) 

 Bài cuối: Quan trọng nhất là phải ổn định giá 


0 nhận xét:

Đăng nhận xét